24HMONEY đã kiểm duyệt
02/08/2023
"Cưng dô lây", "Cà nhính" là cách nói lái hài hước được nhiều gen Z sử dụng trên mạng xã hội, trong trò chuyện hàng ngày, hay thậm chí là trong cả âm nhạc.
“Cưng dô lây” nghĩa là gì?
Dạo quanh Tiktok hay Facebook những ngày gần đây, có thể thấy gen Z đang rần rần truyền tai nhau cụm từ “cưng dô lây" hay “cưng vô lây". Thoạt đầu nghe có vẻ hơi mơ hồ và khó hiểu nhưng thực chất đây chỉ là cách nói lái chơi chữ đơn giản nhưng hài hước của giới trẻ mà thôi.
“Cưng dô lây" đọc ngược lại có nghĩa là “cây dô lưng", “dô" là cách phát âm chữ “vô” của người miền Nam. Cụm này có nghĩa là dùng cây đánh vào lưng một ai đó, thể hiện sự ghét bỏ, giận dữ hay bất bình đến mức muốn đánh chứ không phải cưng yêu.
Cách nói lái chơi chữ vốn không còn quá xa lạ trong văn hoá nói của Việt Nam, tuy vậy qua ngôn ngữ của gen Z thì bỗng trở nên “lạ lắm". “Cưng dô lây" được các bạn trẻ sử dụng rộng rãi như một cách trêu đùa lẫn nhau. Ví dụ khi muốn chê hoặc bày tỏ thái độ không hài lòng thì thay vì nói thẳng, gen Z lại biến nó trở thành như một "lời khen". Chẳng hạn “nhìn cưng quá, nhưng mà là cưng vô lây". Ban đầu nhìn thì có vẻ giống như là đang khen ngợi thích thú, vì “cưng" là từ dùng để gọi người mà mình yêu quý, một cách thân thiết hay thể hiện cảm xúc dễ thương, đáng yêu. Nhưng thực chất lại có ý là muốn chê rằng nhìn chỉ muốn cho ăn đánh mà thôi.
“Cưng dô lây” được giởi trẻ sử dụng rần rần dạo gần đây trên mạng xã hội.
Ngoài cụm “cưng dô lây", nhiều cụm từ khác cũng được các bạn trẻ sáng tạo một cách hài hước. Ví dụ như “nhìn sang quá nhưng là sang chấn tâm lý”, “nhìn rất yêu, nhưng lại là yêu quái", “nhìn kiêu sa, sa cơ thất thế", “nhìn giống Tây nhưng mà là Tây Du Kí", “rất có hồn, hồn bay phách lạc"...
Nếu thế hệ 8X, 9X có teencode thì thế hệ gen Z cũng có một loại ngôn ngữ của riêng họ. Ngôn ngữ Gen Z không phải là một loại ngôn ngữ chính thức như Tiếng Việt. Nó đơn giản chỉ là một sáng tạo của các bạn trẻ thuộc thế hệ Z với mục đích giải trí, giúp giao tiếp qua mạng nhanh gọn, và thể hiện cá tính riêng của họ. Cách dùng từ như “cưng dô lây" cũng phần nào thể hiện tính cách của các bạn trẻ thời nay: hài hước, năng động và cực kỳ sáng tạo.
Vì sự thú vị và dễ học theo, trào lưu này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dùng trên TikTok và trở thành một trong những trào lưu phổ biến.
“Cà nhính” nghĩa là gì?
Thực tế, “cà nhính” hoặc “cà nhín” được nhiều người khẳng định đó là phương ngữ của khu vực miền Tây Nam Bộ, có thể hiểu nôm na là “ăn từng chút một”.
Theo ngôn ngữ gen Z thì “cà nhính, cà nhính” là từ lóng được dùng để chỉ biểu cảm thích, hào hứng. Ngoài ra “cà nhính, cà nhính” còn mang ý nghĩa nhận xét, bình luận về một sự vật, hiện tượng hài hước, thú vị, có pha chút yếu tố quái lạ.
Từ này bắt nguồn từ một đoạn livestream (phát sóng trực tiếp) của ca sĩ Miko Lan Trinh và bạn trai đồng giới đang cùng nhau nấu ăn. Cô ca sĩ này đã liên tục nói “cà nhính, cà nhính, cà nhính” khi cầm đĩa thức ăn giơ lên trước camera với biểu cảm hào hứng. Bên cạnh đó, tình huống bạn trai của Miko Lan Trinh đổ “nước tiết bò” vào trong nồi lẩu gây tranh cãi đã góp phần làm đoạn clip lan tỏa rộng khắp các trang mạng xã hội.
“Cà nhính cà nhính” vốn là phương ngữ của khu vực Tây Nam Bộ.
Ban đầu, nhiều netizen đã nhanh chóng cắt tình huống đó ra thành một đoạn clip ngắn để chế giễu phương pháp nấu ăn của bạn trai Miko Lan Trinh.
Nhiều người đã quay những đoạn clip nhái lại hành động này khiến “cà nhính, cà nhính” biến chuyển ý nghĩa, trở thành lời nhận xét, bình luận về một sự vật, hiện tượng hài hước, thú vị có pha chút yếu tố quái lạ.