Mạng xã hội cùng các nền tảng số hóa tác phẩm nghệ thuật mang đến nhiều cơ hội quảng bá tác phẩm và kết nối họa sĩ cùng nhà sưu tập. Nhưng cũng từ đây, câu chuyện chép tranh, ăn cắp tác phẩm cũng bước lên một tầm tinh vi hơn với những chiêu trò lập lờ, đánh lận con đen trong không gian trực tuyến.
Đau đầu chuyện cũ
Ngoài chuyện tranh chép, tranh nhái các họa sĩ Đông Dương trên những sàn đấu giá quốc tế, làm mất vị thế tranh Việt, ở thị trường mỹ thuật trong nước từ trước đến nay, tranh chép công khai vẫn tồn tại, phục vụ nhu cầu lượng khách hàng bình dân. Tranh chép công khai “giá cả dễ chịu”, dễ mua, dễ bán và giới họa sĩ có tên tuổi bị chép tranh đôi khi cũng chỉ cười trừ.
Mạng xã hội lên ngôi, việc kết nối họa sĩ với nhà sưu tập không chỉ ở các phòng tranh, triển lãm hay hội chợ mỹ thuật, mà trang cá nhân của họa sĩ cũng là một kênh tiếp thị hiệu quả. Họa sĩ vẽ xong và chụp ảnh đăng lên trang cá nhân trở thành chuyện thường ngày trong thời buổi 4.0. Người trong giới luận đàm tác phẩm qua các bình luận, còn giới sưu tầm nếu ưng ý chỉ cần nhắn tin cho tác giả để trao đổi. Và hình ảnh công khai trên mạng xã hội trở thành lợi bất cập hại, nhất là giới họa sĩ digital (kỹ thuật số).
“Tôi vẽ xong thì chia sẻ lên mạng để bạn bè xem và góp ý qua lại cho nhau, vì vẽ kỹ thuật số mà. Có ai ngờ, những nhân vật biếm họa và một số tranh của tôi in đầy trên các ốp lưng điện thoại, ly nước, áo thun… Họ cứ vào trang cá nhân của mình lấy hình và in, hoàn toàn không xin phép gì chứ đừng nói đến chuyện tiền nong, tác giả, tác quyền gì”, họa sĩ Nguyễn Long Tài chia sẻ.
Đau đầu hơn chuyện tự ý sử dụng tác phẩm là “trace tranh” (thuật ngữ này thường dùng trong giới vẽ minh họa - illustration, được hiểu là vẽ can theo tranh gốc, hoàn toàn không cần đến tư duy hay kỹ thuật, chỉ khác đi ở một số chi tiết nhỏ).
Họa sĩ Nguyễn Vũ Xuân Lan kể: “Tôi lướt mạng và thấy một bộ tranh phục vụ thương mại trace tranh của mình đã từng vẽ khá lâu. Ở đây không bàn đến việc đạo nhái ý tưởng, vì ranh giới đó còn nhiều tranh cãi. Đã có khá nhiều bạn vẽ lại tranh của tôi và tôi đồng ý với việc đó, miễn là có ý thức xin phép và chú thích, tôi coi đó là một hình thức luyện tập. Không cần phải quá giỏi, chỉ cần tinh ý và có kiến thức mỹ thuật cơ bản là nhận ra tranh sao chép hay trace tranh. Sau khi trao đổi, họ cũng xin lỗi và gỡ bỏ bộ tranh; nhưng đây không phải là lần đầu tiên tôi bị trace tranh, và trong giới vẽ minh họa rất nhiều người gặp phải”.
“Sống chung với lũ”
Sự xuất hiện của NFT (công nghệ Non Fungible Token) trên nền tảng blockchain khiến giới nghệ thuật trong nước xôn xao, nhất là giới hội họa. Mã NFT độc quyền và không thể làm giả, những tưởng sẽ bảo vệ tác quyền tốt hơn cho họa sĩ, nhưng thực tế lại mở thêm cơ hội cho kẻ cắp lập lờ đánh lận con đen.
Chụp hình lại tranh do mình vẽ và đăng tải lên trang cá nhân để chia sẻ cùng bạn bè và nhà sưu tập, vô tình các tác phẩm của họa sĩ Tèo Phạm trở thành tầm ngắm cho các tay “đạo chích”.
Họa sĩ Tèo Phạm kể: “Tôi biết NFT nhưng không quan tâm và chưa đưa tác phẩm của mình lên nền tảng này. Một ngày, bạn bè tôi gọi báo là tranh của tôi rao bán trên đây khá nhiều. Tôi kiểm tra mới ngỡ ngàng, hình tranh tôi đăng lên Facebook bị ăn cắp, người ăn cắp đúc thành mã NFT và rao bán. Tấm hình tôi đăng lên chưa đầy 3MB (Megabyte), nhưng người ăn cắp đã mã hóa thành NFT và bán thành công với giá gần 1.000 USD”.
Họa sĩ Tèo Phạm trao đổi và buộc người ăn cắp hình ảnh tranh vẽ của mình phải xóa khỏi các nền tảng NFT, nhưng vẫn chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng.
Anh cho hay: “Bạn lấy hình ảnh của tôi đem đi mã hóa thành NFT và bán cũng là bạn bè trên Facebook của tôi. Sau khi trao đổi, bạn ấy nói hình được bạn đó mã hóa thành NFT cũng đã bị một tài khoản khác đánh cắp và mã hóa thêm lần nữa, nên việc truy tìm và xóa hết rất khó, một số nền tảng NFT đã mã hóa rồi thì không cho xóa”. Cuối cùng, hai bên cũng chỉ thỏa thuận để hợp tình chứ chưa thể hợp lý, bởi đi đến cùng thì trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa có khung pháp lý cụ thể cho NFT.
“Trước mắt là “sống chung với lũ” thôi chứ biết sao giờ, vì mình vẫn chưa có luật cụ thể, tôi yêu cầu bạn đó phải xóa và trả lại tiền cho người mua”, họa sĩ Tèo Phạm trăn trở. Mã NFT không liên quan đến tác phẩm vật lý nhưng cũng không loại trừ hình ảnh đem đi mã hóa NFT được chụp từ một bức tranh nhái, tranh giả. Một số sàn NFT trong nước hoàn toàn không bắt buộc lưu ký tác phẩm trước khi mã hóa. Vì thế, để xác định giá trị một mã NFT chủ yếu là niềm tin.
Chuyện tác quyền mỹ thuật trong nước trước giờ vẫn còn nhiều lăn tăn, NFT mở thêm cơ hội để bảo vệ quyền lợi cho tác giả hay nối thêm chiêu trò đánh lận, trước mắt phụ thuộc vào ý thức của những người sáng lập, vận hành và sử dụng nền tảng này.
KIM LOAN