Nhằm giúp các em học sinh có nhiều ý tưởng kết bài “Quê hương” của nhà thơ Tế Hanh sáng tạo và ấn tượng trong quá trình học Ngữ Văn 8, Hocmai sẽ giới thiệu các em một số cách kết bài dưới đây. Vì nhiệm vụ của phần kết bài là khái quát, tổng hợp lại toàn bộ nội dung hoặc mở rộng góc nhìn trong bài viết, do đó các em cần chú ý hơn về cách khái quát lại nội dung của mình trong phần kết bài này nhé!

Tham khảo thêm:

Soạn bài Quê hương

Kết bài Ông đồ

Mẫu kết bài phân tích Quê hương số 1

Thật vậy! Bài thơ không chỉ là tình yêu quê hương đất nước của riêng ông mà nói hộ biết bao trái tim xa quê. “Quê hương” thật sự đã chạm tới nơi sâu nhất trong trái tim tác giả Tế Hanh với chất thơ dạt dào tình cảm, nghèn nghẹn khi ông nhớ về quê mình – làng chài nhỏ miền biển. Mỗi một câu thơ là một hình ảnh cảnh vật quá đỗi quen thuộc, là mỗi một nỗi nhớ chất chứa khôn nguôi mỗi khi tác giả Tế Hanh hồi tưởng lại.  

Mẫu kết bài phân tích Quê hương số 2

Bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh như một bức tranh phong cảnh đẹp, trong sáng về cảnh vật và con người làng chài miền biển. Qua lời thơ khỏe khoắn nhưng giản dị, hình ảnh dân chài lưới rắn rỏi, cánh buồm thuyền đánh cá căng no gió và con thuyền đầy cá trở về nổi lên đầy hấp dẫn, phóng khoáng, dạt dào sức sống và vị mặn của biển!

Mẫu kết bài phân tích Quê hương số 3

Quê hương hai tiếng thân thương biết bao! Cùng với tài hoa sử dụng những biện pháp nghệ thuật như: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, tác giả Tế Hanh đã vẽ lên một bức tranh quê hương đầy thân thương nhưng rất mới mẻ, tươi tắn và đầy sức sống. Phải là một nhà thơ yêu người yêu quê hương và tha thiết với cuộc đời, với đời sống cần lao của người dân như thế nào thì nhà thơ mới có thể cho ra đời những vần thơ hay đến vậy!

Mẫu kết bài phân tích Quê hương số 4

Giờ đây có biết bao người phải xa xứ tha hương để mưu sinh, thế nhưng chắc chắn trong lòng họ luôn có nỗi nhớ quê trực trào. Tác giả Tế Hanh cũng vậy, cũng chung cảm xúc nhớ quê hương ấy. Ông đã thể hiện tình yêu và nỗi nhớ quê hương da diết của mình qua ngòi bút bình dị mà giàu cảm xúc vẽ lên khung cảnh và con người nơi quê hương ông, vừa thân thương vừa khao khát được trở về.

Mẫu kết bài phân tích Quê hương số 5

Đọc bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh, chúng ta như nhìn và cảm nhận thấy chính quê hương của mình, với những cảm xúc và tình yêu quê hương thiết tha giống như tác giả đã cảm nhận. Hình tượng và cảm xúc trong bài thơ của Tế Hanh đều rất bình dị nhưng thân thuộc, thấm đượm chữ tình. Bằng bút pháp tài hoa của mình, Tế Hanh đã nâng những hình ảnh cảnh vật trong ký ức của ông lên một tầm cao mới, đầy sáng tạo và sức hấp dẫn. Đó chính là điểm nhấn quan trọng để “Quê hương” luôn dễ dàng xuất hiện trong tâm trí người đọc.

Mẫu kết bài phân tích Quê hương số 6

Với những cảm nhận tinh tế của mình, tác giả Tế Hanh đã thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết của mình – một làng chài nhỏ ven biển Quảng Ngãi. “Quê hương” như một bức tranh đầy cái tình thắm thiết. Bằng cách sử dụng sáng tạo những nghệ thuật tu từ và chắt lọc hình ảnh đặc tả, tác giả đã làm sống lại cả ngôi làng chài của mình với dáng hình cao lớn và thiêng liêng, làm say lòng biết bao thế hệ yêu thơ cho đến tận ngày nay.

Mẫu kết bài phân tích Quê hương số 7

Với góc nhìn đầy tinh tế và sự chắt lọc kỹ lưỡng của mình, tác giả Tế Hanh đã đem đến độc giả một “Quê hương” thật độc đáo, lãng mạn mà rất tự nhiên, rất có hồn, thông qua đó ta cảm nhận được tình yêu quê hương, nỗi nhớ quê nhớ nhà tha thiết, sâu sắc của tác giả trong hoàn cảnh xa quê – khi ông đang đi học ở Huế năm 17 tuổi.

Mẫu kết bài phân tích Quê hương số 8

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.

(Chế Lan Viên, Tiếng hát con tàu)

Một người con khi xa quê hương sẽ không thể ngừng nguôi ngoai nỗi nhớ nhà nhớ quê hương của mình. Tế Hanh cũng vậy. Trong ký ức của ông quê hương hiện lên với từng cảnh vật và con người thật thân thương mà đậm nồng mùi biển cả: cánh buồm trắng căng như “mảnh hồn làng”, con thuyền đánh cá rẽ sóng ra khơi, con thuyền trở về với những mẻ cá bội thu đầy ghe, hình ảnh trai tráng làng chài da ngăm rắn rỏi như tượng đài,… Tất cả đều được Tế Hanh thể hiện thật tinh tế trong bài thơ “Quê hương”.

Mẫu kết bài phân tích Quê hương số 9

Qua bài thơ “Quê hương”, tác giả Tế Hanh đã bộc lộ hết tâm tư nỗi lòng nhớ thương quê hương nơi làng chài ven biển của mình thật da diết và sâu sắc. Mỗi câu thơ, mỗi hình ảnh như những nỗi nhớ mà tác giả gom góp lại để khắc họa lên, từ cánh buồm trắng, con thuyền rẽ sóng ra khơi buổi bình minh, dân làng tấp nập đón thuyền đánh cá trở về, dân làng chài da ngăm mặn nồng vị muối biển… Tất cả đều được tác giả thổi hồn sống dậy để chạm vào trái tim bất cứ người đọc nào.

Mẫu kết bài phân tích Quê hương số 10

Lời thơ giản dị mà gợi cảm, hình ảnh thân quen mà sâu sắc, chất thơ vừa nghẹn ngào cảm xúc vừa tràn đầy sức lực – “Quê hương” của tác giả Tế Hanh như một khúc nhạc nhớ thương quê hương trong sáng và thiết tha, để rồi mỗi khi cất lên hai tiếng Quê hương, ta nghe thật thân thương, thiêng liêng vô cùng!

Mẫu kết bài phân tích Quê hương số 11

“Quê hương” của nhà thơ Tế Hanh đã được tác giả vẽ lên một bức tranh phong cảnh trữ tình đầy cuốn hút về cánh buồm trắng, về chiếc thuyền đánh cá buổi bình minh sáng sớm, hay những người dân làng chài quê ông rắn rỏi mặn mòi hương biển… Với một giọng thơ nồng nào tình yêu quê hương đất nước của mình, Tế Hanh đã thành công trong việc khiến những người yêu thơ và cả thế hệ về sau rung động trước vẻ đẹp quê hương của ông cũng như quê hương trong tim mỗi người.

Mẫu kết bài phân tích Quê hương số 12

Là một bài thơ mang chủ đề quê hương đất nước, “Quê hương” của Tế Hanh đã đem đến một làn gió mới cho phong trào Thơ mới đương thời, cũng như khẳng định dấu ấn của mình trong nền văn thơ nước nhà. “Quê hương” đặc biệt ở chỗ ngôn ngữ thơ rất mộc mạc, giản dị giống như thủ thỉ với người đọc, kết hợp cùng những đặc điểm nghệ thuật như so sánh, nhân hóa, các tác phẩm văn thơ của Tế Hanh đều có tính thẩm mỹ rất cao và giàu cảm xúc. Bài thơ như đưa độc giả đến trước khung cảnh sinh hoạt sống động của quê hương ông – nơi làng chài ven biển đầy muối mặn biển cả.

Mẫu kết bài phân tích Quê hương số 13

Với ngôn từ giản dị, thân thuộc mộc mạc và chọn lọc tinh tế, nhà thơ Tế Hanh đã thổi hồn vào bức tranh “Quê hương” của ông một cách thật sinh động và chan chứa tình cảm của người con xa quê, khiến người đọc không khỏi cảm thán và xúc động trước tình yêu quê hương dạt dào của tác giả. Bằng cái ánh nhìn và cảm nhận tinh tế nhà thơ đã đưa chúng ta đến với một bức tranh sinh hoạt của làng chài vừa sinh động vừa tình cảm nên thơ vô cùng.

Mẫu kết bài phân tích Quê hương số 14

Kết thúc bài thơ “Quê hương” ta vẫn còn văng vẳng đâu đó lời cảm thán của nhà thơ Tế Hanh “Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!”. Tình cảm của nhà thơ dành cho quê hương của mình lớn lao và thiết tha không còn gì để bàn cãi, lời thơ quá đỗi nặng tình, sâu sắc, chân thành. Nó đã mạnh mẽ cuộn trào đến mức làm say lòng và chạm vào “quê hương” trong trái tim của bao thế hệ yêu thơ.

Mẫu kết bài phân tích Quê hương số 15

Thông qua áng thơ để đời “Quê hương”, ta thấy được tình cảm sâu nặng mà nhà thơ Tế Hanh đã dành cho quê hương mình một thứ tình cảm vô cùng da diết, nỗi nhớ quê lớn luôn hiện hữu trong tim và trong tâm trí ông. Dù đi xa quê hương nhưng Tế Hanh vẫn luôn nhớ đến quê hương của mình, nơi có những con sóng vỗ ngày đêm, có cánh buồm trắng căng gió biển, có chiếc thuyền đánh cá đầy ghe, và có cả những người dân làng chài hăng say lao động mỗi ngày…

Mẫu kết bài phân tích Quê hương số 16

Bằng góc nhìn sâu sắc và cảm nhận rất riêng của mình, nhà thơ Tế Hanh đã đem đến cho người đọc một hình sắc rất riêng của ông trong giai đoạn phong trào Thơ mới nổi lên những phong cách thơ ấn tượng, ấy là cái mặn mòi của biển cả quê hương, cái rực rỡ thân thuộc của hình ảnh làng chài quê ông. Bài thơ bộc lộ nỗi nhớ của ông với quê hương, chính tấm lòng đó đã đánh thức và chạm đến những tình cảm thiêng liêng nhất trong trái tim của độc giả yêu thơ.

Mẫu kết bài phân tích Quê hương số 17

Người ta nói Tế Hanh là nhà thơ của quê hương đất nước bởi tình cảm ông gửi gắm trong những bài thơ của mình quá đỗi cuộn trào và sâu sắc. Song trong bài thơ “Quê hương”, quê hương ấy đúng chỉ thu gọn bằng cái làng chài miền biển nơi ông sinh ra. Không ồn ào, không mạnh mẽ hùng cường, ngôn từ trong thơ của Tế Hanh vô cùng giản dị, trong trẻo, thế nhưng khi đọc lên bài thơ này, chắc chắn ai cũng cảm nhận được tình yêu quê hương của ông mạnh mẽ, thuần khiết và thiết tha như thế nào.

Mẫu kết bài phân tích Quê hương số 18

Tuy góp mặt trong phong trào Thơ mới giai đoạn 1930 – 1945, song chất thơ của Tế Hanh khá đặc biệt. Thơ của ông không hào hùng, không mãnh liệt cuồn cuộn hay đau đáu nỗi đau mất nước như số chung nhà thơ nhà văn thời ấy, nhưng sức lay động của thơ Tế Hanh rất mạnh mẽ, có thể chạm tới nơi sâu nhất tình yêu và nỗi nhớ quê hương trong trái tim mỗi người. Và “Quê hương” đã thay nhà thơ Tế Hanh chứng minh điều đó, một quê hương rất riêng của Tế Hanh, cũng là quê hương trong tim tất cả chúng ta.

Mẫu kết bài phân tích Quê hương số 19

Bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh rất xứng đáng trở thành áng thơ tiêu biểu cho chủ đề quê hương đất nước! Mỗi một câu thơ, một câu từ trong bài, ta càng thêm cảm nhận sâu sắc hơn hồn thơ dạt dào tình yêu ấy của Tế Hanh, cũng như cảm thán trước tài hoa và bút pháp sử dụng nghệ thuật ẩn dụ & so sánh sáng tạo của ông.

Mẫu kết bài phân tích Quê hương số 20

Có thể nói “Quê hương” là một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp về quê hương yêu dấu của Tế Hanh – ngôi làng chài nhỏ ven biển mặn mòi. Với chất thơ đầy sức sống nhưng quen thuộc, nhà thơ đã diễn tả lại những hình ảnh thường ngày của quê ông một cách thật sinh động và độc đáo để gửi gắm nỗi lòng nhớ quê da diết của mình qua từng câu chữ, lời thơ, để rồi bao thế hệ yêu thơ mỗi khi có dịp đọc lên càng thêm ngưỡng mộ tài hoa của nhà thơ Tế Hanh.

Trên đây là những cách kết bài Quê hương của Tế Hanh sao cho ấn tượng và hấp dẫn nhất. Các em hãy lấy đó làm tài liệu tham khảo hữu ích để sáng tạo ra kết bài “Quê hương” của riêng mình nhé! Chúc các em có một bài văn quê hương thật xuất sắc!