Nhịp tim là số lần tim đập mỗi phút, chỉ số bình thường ở người già từ 60-100 nhịp/phút. Đây là một chỉ số quan trọng về sức khỏe tổng thể mỗi người. Vậy nhịp tim bình thường của người già là bao nhiêu? Khi nào mới đáng lo ngại? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết này.
Bạn cần biết gì về nhịp tim?
Tùy thuộc vào tuổi tác và sức khỏe, mỗi người có mức nhịp tim bình thường khác nhau. Bên cạnh đó, lối sống và thói quen vận động cũng ảnh hưởng đến nhịp tim. (1)
1. Nhịp tim nghỉ ngơi
Nhịp tim lúc nghỉ ngơi là số lần tim đập mỗi phút khi một người không hoạt động. Nếu nhịp tim lúc nghỉ ngơi cao hơn 100 nhịp/phút thì được gọi là nhịp tim nhanh; dưới 60 nhịp/phút được gọi là nhịp tim chậm. Các chuyên gia xác định, nhịp tim nghỉ ngơi lý tưởng là từ 60 – 70 nhịp/phút.
Nhịp tim nghỉ ngơi có thể thay đổi và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, từ tâm trạng đến môi trường xung quanh. Theo đó, nhịp tim có thể tăng lên khi phấn khích hoặc lo lắng hay khi hút thuốc lá và uống cà phê.
Một người có thể biết nhịp tim bình thường khi nghỉ ngơi bằng cách đếm số lần tim đập trong 1 phút. Ngồi yên 5 – 10 phút trước khi đếm để đảm bảo tim đang ở trạng thái nghỉ ngơi. Có thể kiểm tra nhiều lần trong ngày hoặc hơn một tuần để lấy số trung bình để xem nhịp tim có bất thường hay không.
2. Nhịp tim mục tiêu
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, nhịp tim mục tiêu trong các hoạt động cường độ vừa phải là khoảng 50 – 70% của nhịp tim tối đa. Hoạt động thể chất cường độ cao sẽ dẫn đến 70 – 85% mức tối đa. Nhịp tim tối đa được tính = 220 – tuổi (ví dụ 60 tuổi sẽ có nhịp tim tối đa là 160).
Điều ghi nhớ là cần tham vấn bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình tập luyện. Bác sĩ sẽ giúp tìm ra một thói quen và vùng nhịp tim mục tiêu phù hợp với nhu cầu, mục tiêu cũng như sức khỏe tổng thể của người tập. Điều này mang lại nhiều lợi ích nhất khi tập thể dục trong ‘vùng nhịp tim mục tiêu’. Thông thường, nhịp tim sẽ bằng 60 – 80% mức tối đa; trong một số trường hợp, bác sĩ có thể giảm vùng nhịp tim mục tiêu xuống khoảng 50%. (2)
Khi bắt đầu một chương trình tập thể dục, người tập cần phải tăng dần cường độ để nhịp tim tăng dần đến vùng nhịp tim mục tiêu, đặc biệt nếu trước đó chưa có tập thể dục thường xuyên.
Lưu ý trong khi tập thể dục, cũng cần nghỉ ngơi và kiểm tra mạch thường xuyên để biết liệu nhịp tim có đang ở trong vùng mục tiêu hay không. Nếu mạch ở dưới vùng mục tiêu thì cần tăng cường độ tập luyện.
Nhịp tim bình thường của người già là bao nhiêu?
Nhịp tim bình thường của người lớn tuổi thường sẽ khác so với nhịp tim bình thường của trẻ em và sẽ dao động từ 60-100 nhịp/phút khi nghỉ ngơi và có thể thay đổi mỗi phút.
Bảng dưới đây cho thấy nhịp tim nghỉ ngơi bình thường trung bình của người già dựa trên độ tuổi. (3)
Độ tuổi (năm) | Nhịp tim trung bình (bpm) |
41 đến 50 | 75.3 |
51 đến 60 | 73.9 |
61 đến 70 | 73.0 |
71 đến 80 | 74.2 |
Trên 80 | 78.1 |
Yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim ở người cao tuổi
Cũng như tập thể dục, có nhiều lý do khác khiến nhịp tim thay đổi đột ngột. Một số lý do phổ biến như bệnh tật, sốt, mất nước, lo lắng, thuốc đang sử dụng,… và các tình trạng sức khỏe khác.
1. Mất nước
Khi bị mất nước, thể tích máu sẽ giảm đi và tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Người bệnh có thể nhận thấy nhịp tim nhanh hơn và đánh trống ngực (tim đập thình thịch hoặc đập không đều). Do đó, việc bù nước rất quan trọng để điều chỉnh nhịp tim và có nhiều lợi ích sức khỏe khác. Phụ nữ nên uống 6-8 ly nước mỗi ngày (tương đương 1,6 lít) và nam giới là 8-10 ly (tương đương 2 lít).
2. Nhiễm trùng, sốt
Nhịp tim tăng lên khi bị nhiễm trùng hoặc sốt. Đây là điều bình thường xảy ra khi tim bơm máu mạnh hơn để cung cấp oxy, đưa các tế bào miễn dịch đi khắp cơ thể, giúp chống lại nhiễm trùng. Nhiễm virus như cúm hoặc Covid-19 khiến nhịp tim tăng lên.
3. Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ra những thay đổi đối với nhịp tim. Ví dụ, thuốc điều trị hen suyễn có thể khiến nhịp tim tăng nhanh; trong khi thuốc điều trị bệnh tim (như thuốc chẹn beta giao cảm) lại khiến nhịp tim chậm lại.
Nếu nhận thấy những thay đổi đột ngột về nhịp tim sau khi dùng một loại thuốc mới, đồng thời cảm thấy không khỏe, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để được điều chỉnh thuốc phù hợp.
4. Bệnh tim
Trong một số trường hợp, nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim) do hệ thống điện sinh lý của tim bất thường. Điều này khiến tim đập chậm hơn, nhanh hơn hoặc không đều.
5. Các tình trạng sức khỏe khác
Một số tình trạng sức khỏe khác như nhiễm trùng, thiếu máu hoặc bệnh về tuyến giáp cũng ảnh hưởng đến nhịp tim. Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ khác cũng khiến nhịp tim nhanh, bao gồm: uống caffein, rượu, đang mang thai.
Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không?
Rối loạn nhịp tim là khi tim đập quá chậm, quá nhanh hoặc không đều. Rối loạn nhịp tim có thể nguy hiểm vì máu không được bơm đủ tốt khắp cơ thể, gây ra các triệu chứng như chóng mặt, ngất xỉu, khó thở. Nhịp tim đập không đều cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. (4)
Nhịp tim nhanh
Khi bị nhịp tim nhanh, tim sẽ đập nhanh hơn bình thường trong vài giây đến hàng giờ, được ghi nhận đập hơn 100 nhịp/phút khi nghỉ ngơi. Vì tim đập quá nhanh, không đủ thời gian cần thiết để bơm đầy máu giữa các nhịp đập, do đó rất nguy hiểm nếu tim không thể cung cấp máu và oxy cần thiết cho tất cả tế bào.
Trái tim thường chịu tác động của các tín hiệu điện từ nút xoang nhĩ của tim. Những tín hiệu này kiểm soát tần số tim đập. Khi sợ hãi, xúc động, lo lắng hoặc đang tập thể dục, tim gửi tín hiệu thường xuyên hơn trong một thời gian ngắn. Điều này được gọi là nhịp nhanh xoang và biến mất khi bình tĩnh lại hoặc nghỉ ngơi. Nếu nhịp tim nhanh lặp đi lặp lại thường xuyên, người bệnh cần thăm khám để được chẩn đoán và điều trị.
Một số người không có triệu chứng nhịp tim nhanh, trong khi những người khác có các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng nhịp tim nhanh bao gồm: Hụt hơi, chóng mặt, lâng lâng, đau ngực, tim đập nhanh, ngất xỉu…
Nhịp tim chậm
Nhịp tim chậm là tình trạng tim đập ít hơn 60 lần/phút, chậm một cách bất thường. Tình trạng này có thể nguy hiểm nếu tim không bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tuy nhiên, tim đập chậm cũng xảy ra mà không gây bất kỳ tác động có hại nào, đặc biệt là ở những người hoạt động thể chất nhiều. Nhịp tim dưới 60 nhịp/phút khi nghỉ ngơi là quá chậm đối với hầu hết mọi người. Nhịp tim chậm là trường hợp bình thường ở vận động viên khỏe mạnh.
Mọi người ở mọi lứa tuổi và hoàn cảnh đều có thể bị nhịp tim chậm nhưng phổ biến hơn ở người lớn trên 65 tuổi. Cứ 600 người lớn trên 65 tuổi thì có 1 người có triệu chứng nhịp tim chậm. Tuy nhiên, số người bị nhịp tim chậm mà không có triệu chứng cao hơn nhiều. Nhịp tim chậm đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi khi đang ngủ.
Hướng dẫn cách đo nhịp tim cho người lớn tuổi
Người lớn tuổi có thể đo nhịp tim thông qua mạch của mình, bằng cách sử dụng ngón trỏ và ngón đeo nhẫn cùng nhau, không ấn quá mạnh. Một số vị trí có thể bắt mạch, như:
- Cổ (động mạch cảnh): Bắt đầu từ dái tai và để ngón tay dọc xuống ngay bên dưới xương hàm.
- Cổ tay (động mạch quay): Đặt ngửa lòng bàn tay, bắt mạch ở vị trí hố quay gần cổ tay.
- Bên trong khuỷu tay (động mạch cánh tay): Bắt đầu ở vùng hõm trung tâm giữa mặt trong khuỷu tay; từ từ kéo những ngón tay dọc theo nếp khuỷu tay về phía trong.
Khi đã tìm thấy mạch, người lớn tuổi tìm nhịp tim của mình bằng cách đếm số nhịp tim trong 60 giây. Nếu muốn có câu trả lời nhanh hơn, có thể sử dụng các phép tính sau:
- Đếm nhịp tim trong 10 giây. Sau khi hết 10 giây, hãy nhân số đếm được với 6.
- Đếm nhịp tim trong 15 giây. Khi hết 15 giây, hãy nhân số đếm được với 4.
- Đếm nhịp tim trong 30 giây. Khi hết 30 giây, hãy nhân số đếm được với 2.
- Ngoài ra, người lớn tuổi có thể đo nhịp tim bằng các dụng cụ y tế như máy đo huyết áp, máy đo SPO2…
Phòng ngừa rối loạn nhịp tim cho người cao tuổi
Để phòng ngừa rối loạn nhịp tim, người cao tuổi cần thay đổi lối sống để bảo vệ trái tim, bao gồm.
- Chế độ ăn uống lành mạnh ít muối và chất béo rắn (bơ, mỡ động vật,…); ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc.
- Luyện tập thể dục đều đặn: Đặt mục tiêu tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày.
- Không hút thuốc lá.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Thừa cân làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim.
- Giữ huyết áp và mức cholesterol trong tầm kiểm soát: Thay đổi lối sống và dùng thuốc theo chỉ định để kiểm soát tăng huyết áp hoặc điều hòa cholesterol cao.
- Hạn chế uống rượu bia: Với người khỏe mạnh, uống tối đa một ly/ngày (đối với phụ nữ ở mọi lứa tuổi và nam giới trên 65 tuổi) và tối đa hai ly/ngày (đối với nam giới từ 65 tuổi trở xuống).
- Uống thuốc theo toa và thăm khám định kỳ với bác sĩ.
- Kiểm soát stress là một bước quan trọng để giữ cho trái tim khỏe mạnh. Việc tập yoga, thiền, nghỉ ngơi thư giãn… cũng có tác dụng giảm căng thẳng, từ đó giúp ngăn ngừa hoặc giảm rối loạn nhịp tim.
Khi nào cần khám bác sĩ?
Người bệnh nên thăm khám bác sĩ nếu gặp các trường hợp như:
- Nhịp tim khi nghỉ ngơi quá nhanh hoặc quá chậm;
- Nhịp tim bỏ nhịp hoặc không đều;
- Tim đập nhanh, cảm giác mạch đập mạnh trên cổ,…
Người lớn tuổi nên đến bệnh viện thăm khám ít nhất mỗi năm một lần để kiểm tra sức khỏe. Đo nhịp tim là một hoạt động bình thường trong mỗi lần thăm khám và là cách để bác sĩ phát hiện sớm một số vấn đề bất thường về sức khỏe.
Để đặt lịch khám, tầm soát và điều trị bệnh tim mạch tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Mọi bất thường về nhịp tim ở người già đều cần được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời vì có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, theo dõi nhịp tim bình thường của người già cần được thực hiện thường xuyên trong quá trình chăm sóc, theo dõi sức khỏe.