Tết của người Việt ở Brisbane bang Queensland

Năm nay đi học xa nhà, nên mình có cái Tết đầu tiên không ở Hà Nội, và có cái Tết đầu tiên và duy nhất ở Brisbane (Úc). Bà con người Việt ở đây nhiều, nên Tết đến cũng có không khí từ các khu người Việt sinh sống đến không khí lan toả trong cộng đồng các du học sinh xung quanh.

1. Chợ Việt

Dạo một vòng khu chợ Việt lớn nhất ở đây, Inala, những ngày trước Tết, có thể tìm thấy nhiều hương vị Tết trong nam, ngoài bắc: Từ bánh chưng, giò chả, củ hành, củ kiệu, xôi gấc, gà đến hộp mứt, giỏ quà, bó dơn đỏ… Bình thường chợ Việt bán chẳng thiếu thứ gì ở nhà. Mắm tôm, dầu chuối, quế, hồi, bún, phở khô, hoa trái đủ cả. Đến Tết, để phục vụ nhu cầu của bà con, chợ bán thêm nhiều loại thực phẩm dành cho Tết

Một trong những nhu cầu lớn nhất là nấu bánh chưng, đồ xôi gấc, hay có con gà luộc cúng Tết. Vì vậy mà những ngày này, hàng rau bán thêm lá chuối để gói bánh (ở đây không có lá dong, có thể là không được nhập lá dong từ Việt Nam vì Úc kiểm soát các loại thực vật tươi rất kỹ, và cũng có khi là không cần nhập vì lá chuối là đủ rồi). Gấc để nấu xôi nghe các chị em nói là gấc đóng gói đông lạnh nhập từ trong nước sang. Gạo nếp, đỗ xanh, vỏ nem, miến, giò, chả, mướp đắng, hành thì quanh năm vẫn bán. Có hàng bán cả củ kiệu. Gà ta (gà chạy bộ) cũng bán sẵn nguyên con ở các hàng thịt. Chỉ có bóng bì, măng khô ngoài bắc hay dùng nấu canh thì mình chưa nhìn thấy và cũng chưa hỏi mua nên biết có bán không.

Nhìn chung bà con người Việt ở đây có thể nấu đủ mâm cơm truyền thống thắp hương Tết như ở nhà. Bên cạnh đồ ăn mặn, thì chợ cũng bán rất nhiều mứt bí, mứt dừa, ô mai các loại. Bánh chưng là mặt hàng đặc trưng nhất, rất nhiều hàng bán, khoảng 18 đô la Úc. Trà, cà phê Việt Nam thì hàng ngày vẫn bán. Hoa quả thì đủ để bà con bầy mâm ngũ quả với nhiều loại: dưa hấu, chuối, vải, cam, quýt, thanh long, đu đủ, dứa, lê, táo…và cả bưởi hương.

Hoa thì ngoài các gốc mai vàng giả thì sát Tết thấy có bán hoa dơn đỏ, rất đặc trưng không khí Tết. Đi chợ Việt những ngày này, mọi người vừa sắm sanh đồ nấu vài món ăn Tết, vừa tận hưởng không khí và cũng vừa để nhơ nhớ Tết ở nhà.

2. Lễ hội

Chương trình đón Tết dành cho người Việt ở Brisbane do tổ chức Cộng đồng người Việt tự do ở Brisbane đứng ra tổ chức với sự phối hợp và giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương và nhiều doanh nghiệp tài trợ. Năm nay, chương trình được tổ chức tại khu chợ Việt Inala trong 2 ngày 5-6/2/2016.

Chương trình bao gồm một sn khấu lớn, nơi diễn ra các hoạt động cúng bái tổ tiên của các cụ cao niên, đại diện các vị quan khách phát biểu, lễ chào cờ, hát quốc ca, tiết mục múa lân và đốt pháo, lễ trao phần thưởng cho các con em người Việt đạt thành tích học tập tốt và các tiết mục văn nghệ.

Điều bất ngờ đầu tiên với mình lễ chào cờ và hát quốc ca. Lá cờ ở đây là cờ vàng ba sọc. Và quốc ca không phải là Tiến quân ca mình vẫn hát ở nhà. Không hiểu các em nhỏ người Việt ở đây đến khi lớn lên và về Việt Nam có cho rằng quê cha khác với mảnh đất Việt Nam hình chữ S nằm bên bờ biển Đông hay không? Và cũng không hiểu chính quyền địa phương ở đây có thắc mắc về sự khác biệt của lá cờ Việt Nam tại chương trình này với lá cờ chính thức của Việt Nam hiện tại trong các quan hệ ngoại giao?

Trong phần phát biểu của mình, ông chủ tịch Tổ chức người Việt tự do, đơn vị tổ chức chương trình cũng nhắc đến việc kỷ niệm 40 năm cộng đồng người Việt bắt đầu hình thành trên đất Úc (có lẽ là chuyến vượt biển đầu tiên đến Úc là vào năm 2016), và không quên nhắc đến một Việt Nam hiện giờ không có nhân quyền. Quà tặng dành cho một số vị quan khách địa phương là một cuốn viết về thuyền nhân người Việt.

Điều bất ngờ thứ hai, nhưng ít thôi, là chương trình văn nghệ được mở màn bằng tiết mục 6 em thiếu nhi mặc kimono và ô của người Nhật múa trên nền nhạc bài Mùa hoa anh đào, lời Việt (mùa xuân sang có hoa anh đào nở…). Có lẽ ban tổ chức muốn bắt đầu bằng cái gì đó gắn với hoa đào chăng? Tuy nhiên, một tiết mục với trang phục và nhạc nước ngoài là tiết mục mở màn có lẽ không hợp lý. Ngoài chương trình văn nghệ, và tiết mục đốt một tràng pháo dài có lẽ 2 mét gắn trên cây nêu, tiết mục bắn pháo hoa cũng thu hút được nhiều sự quan tâm của người tham dự.

Bên ngoài sân khấu là các gian hàng bao gồm các gian đồ ăn, gian hàng của các tổ chức, hội, nhóm người Việt. Không có các gian hàng bán đồ Tết vì ngay trong chợ đã có đầy đủ. Các gian hàng ăn ở đây chủ yếu bán đồ ăn sẵn như nước mía, trà chanh, nem nướng, bò lá lốt, phở, bún thịt nướng, trà chanh, sắn hấp, ngô nướng…

Bên ngoài nữa thì là khu trò chơi gồm các trò chơi hiện đại ở các công viên trò chơi, do một công ty Úc cung cấp dịch vụ. Mình về khá sớm nên không rõ có trò chơi dân gian nào được tổ chức hay không.

Toàn bộ khu vực tổ chức chương trình được trang trí bằng cờ Úc, cờ vàng ba sọc và cờ lễ hội của các làng quê. Chương trình thu hút rất đông người tham dự, cả người cao tuổi, các bác, các cô chú, anh chị em thanh niên, các cháu thiếu nhi và các các cháu ngồi xe đẩy. Có lẽ lần sau ban tổ chức nên trang trí thêm một vài cành hoa đào, hoa mai cho thêm không khí quê nhà, và trong lúc buổi chiều khi chưa có chương trình văn nghệ có thể bật các bài hát nhạc xuân cho sôi động.

3. Tết của du học sinh

Vào thời gian Tết, nhiều sinh viên vẫn đi học, đi làm bình thường, tuy nhiên nhiều người vẫn sắp xếp thời gian cùng gia đình chuẩn bị và đón Tết. Ngoài việc đi chơi, thăm thú chương trình Tết ở chợ Việt hay tết Tàu, các nhóm sinh viên và gia đình thường tụ tập gói bánh chưng, ăn cỗ Tết. Nhóm sinh viên ở trường mình cũng gói bánh chưng và bán với giá mềm hơn ở chợ Việt rất nhiều. Vì nguyên liệu khá dễ kiếm, nên việc nấu mâm cơm Tết không có gì khó khăn. Đây trở thành dịp để mọi người gặp gỡ, chung vui. Các cô bác lớn tuổi đi theo con để trông nom cháu cũng đỡ nhớ nhà. Còn các cháu nhỏ thì biết thêm về truyền thống.

Chi bộ lưu học sinh ở trường mình theo học cũng tổ chức buổi mừng Tết cho những anh chị em đang học ở trường cùng gia đình tham gia ở một công viên gần khu nhiều sinh viên của trường sinh sống. Mọi người cũng bày mâm ngũ quả, dựng cành đào, cành mai với đôi câu đối chúc Tết và rất nhiều món ăn: xôi gấc, thịt kho, canh khổ qua nhồi thịt, chả cuốn, gà nướng, tôm luộc, rau trộn và tất nhiên vẫn bao gồm cả đồ nướng đặc trưng cho văn hoá BBQ ở đây. Ban tổ chức cũng chu đáo chuẩn bị lì xì cho các em nhỏ.

Mình đang nghỉ hè, nên cũng có nhiều thời gian để làm giò xào, thịt đông, nem rán và mứt…cà rốt cho có không khí, mặc dù những thứ này chẳng bao giờ làm ở nhà. Thôi thì muốn ăn thì lăn vào bếp. Chiều nay hai vợ chồng đến một ngôi chùa Việt ở gần đây, rồi về nấu cơm tất niên, cũng cảm thấy cái không khí của thời khắc giao thừa sắp đến.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN