Trường Đại học Thăng Long là trường đại học ngoài công lập đầu tiên của Việt Nam được thành lập vào năm 1989. Kể từ khi mô hình đại học dân lập Thăng Long thí điểm thành công đến nay, cả nước ta đã có gần 70 trường đại học ngoài công lập ra đời.
Thông tin phóng viên tìm hiểu từ báo cáo công khai về thông tin chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Thăng Long, tính đến năm học 2021-2022, toàn trường có khoảng hơn 10.800 sinh viên chính quy đang theo học, hơn 300 học viên cao học và 3 nghiên cứu sinh.
Có ngành tuyển sinh đạt chưa tới 25%
Theo số liệu từ đề án tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của Trường Đại học Thăng Long dao động khoảng trên 3000 sinh viên, tỷ lệ tuyển sinh đạt khoảng trên 80%.
Thông tin từ đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Thăng Long. Bảng tổng hợp: Minh Chi |
Nhìn chung, tỷ lệ tuyển sinh đạt so với chỉ tiêu ở các ngành đều đạt trên 80%, một số lĩnh vực có tỷ lệ tuyển sinh đạt trên 90% như: Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân; Nhân văn; Công nghệ kỹ thuật; Máy tính và công nghệ thông tin.
Cá biệt, duy nhất khối ngành sức khỏe, tỷ lệ tuyển sinh so với chỉ tiêu đề ra chỉ đạt hơn 20% (năm 2022). Cụ thể, chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành sức khỏe (gồm ngành Điều dưỡng và ngành Dinh dưỡng) mỗi năm khoảng 300 sinh viên, tuy nhiên riêng năm 2022, chỉ có 68 sinh viên nhập học; Năm 2021 tình hình khả quan hơn là 102 sinh viên nhập học (đạt 30,9%).
Tại đề án tuyển sinh 2023, Trường Đại học Thăng Long đã thông tin về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Theo đó, theo khảo sát sinh viên khóa 31 (tuyển sinh năm 2018, tốt nghiệp năm 2021, khảo sát năm 2022), trường có 3.130 sinh viên nhập học trên tổng 3.190 chỉ tiêu.
Năm 2021, có 1.796 sinh viên tốt nghiệp, hầu hết các ngành đều có tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt trên 90%. Nhiều ngành tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 100% như Công tác xã hội, Việt Nam học, Quản lý bệnh viện, Hệ thống thông tin, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Khoa học máy tính, Thanh nhạc,...
Đáng chú ý, một số ngành không có thông tin về số sinh viên tốt nghiệp như: Marketing, Luật kinh tế, Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo,...
Về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Trường Đại học Thăng Long cho biết, do đây là những ngành mới mở nên chưa có khóa sinh viên nào tốt nghiệp.
Theo đó, ngành Marketing bắt đầu đào tạo năm 2020, ngành Luật Kinh tế bắt đầu đào tạo năm 2019, Công nghệ thông tin bắt đầu đào tạo (năm 2018), Trí tuệ nhân tạo (năm 2020), Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (năm 2019).
Một số ngành không có thông tin về số lượng sinh viên tốt nghiệp năm 2021. Ảnh chụp màn hình (theo Đề án tuyển sinh 2023, Trường Đại học Thăng Long) |
Về đào tạo sau đại học, Trường Đại học Thăng Long hiện đào tạo cả bậc tiến sĩ và thạc sĩ. Trong đó, nhà trường đào tạo 10 ngành trình độ thạc sĩ (trong nước), gồm: Quản trị kinh doanh; Tài chính - Ngân hàng; Toán ứng dụng; Phương pháp toán sơ cấp; Khoa học máy tính; Điều dưỡng; Y tế công cộng; Quản lý bệnh viện; Ngôn ngữ Anh; Công tác xã hội.
Còn đối với đào tạo tiến sĩ, trường hiện đào tạo 1 ngành duy nhất là Toán ứng dụng.
Chỉ tiêu đào tạo bậc thạc sĩ nhìn chung có xu hướng tăng qua các năm, trong khi đó, ngành Toán ứng dụng trình độ tiến sĩ vẫn giữ nguyên chỉ tiêu 5 nghiên cứu sinh trong 3 năm trở lại đây (năm 2021, 2022, 2023).
Thông tin từ đề án tuyển sinh năm 2023, 2022, 2021 của Trường Đại học Thăng Long. Bảng tổng hợp: Minh Chi |
Theo đó, chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ các ngành đều tăng từ 10-35 chỉ tiêu/năm như: Công tác xã hội (tăng 35 chỉ tiêu), Quản trị kinh doanh (tăng 25 chỉ tiêu), Tài chính - Ngân hàng (20 chỉ tiêu),... (năm 2023 so với năm 2022). Một số ít ngành giảm nhẹ chỉ tiêu tuyển sinh như: Điều dưỡng (năm 2023, tuyển sinh giảm 15 chỉ tiêu so với năm 2021), Quản lý bệnh viện (năm 2023, tuyển sinh giảm 5 chỉ tiêu so với năm 2021).
Đội ngũ giảng viên tập trung nhiều nhất ở khối ngành VII
Về đội ngũ giảng viên, thông tin công khai mới nhất về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Thăng Long được ghi nhận tại báo cáo công khai về thông tin đội ngũ giảng viên cơ hữu năm học 2021-2022.
Theo đó, báo cáo ba công khai năm học 2021-2022 thông tin toàn Trường có 339 giảng viên cơ hữu, trong đó có 18 giáo sư, 31 phó giáo sư, 93 tiến sĩ, 146 thạc sĩ và 41 giảng viên trình độ đại học. Trong đó, khối ngành VII có số lượng giảng viên nhiều nhất (119 giảng viên), ít nhất là khối ngành II (15 giảng viên).
Tỷ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi từng ở các khối ngành dao động từ 8,3 - 24,8, cụ thể như sau:
Ảnh chụp màn hình |
So sánh với thông tin về đội ngũ giảng viên được công khai tại đề án tuyển sinh năm 2021, cho thấy đội ngũ giảng viên giảm về số lượng.
Cụ thể, tại đề án tuyển sinh 2021, tổng số giảng viên cơ hữu chủ trì giảng dạy trình độ đại học là 345 giảng viên, trong đó có 19 giáo sư, 25 phó giáo sư, còn lại là các giảng viên trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và đại học.
Như vậy, đội ngũ giảng viên có sự giảm nhẹ về số lượng (giảm 6 người), trong đó giáo sư giảm 1 người, số lượng phó giáo sư lại có sự tăng nhẹ (tăng 6 người).
Nguồn thu từ học phí chiếm tới 98,9%
Về các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất và tư vấn, theo công khai tại báo cáo về thông tin chất lượng đào tạo thực tế năm 2021-2022 của Trường Đại học Thăng Long, các dự án được thống kê từ năm 2019-2023 cho thấy mặc dù các dự án nghiên cứu khoa học được thực hiện khá nhiều, tuy nhiên trong báo cáo tài chính của Trường Đại học Thăng Long lại không thấy nhắc đến hiệu quả nguồn thu từ hoạt động này.
Theo đó, thông tin từ đề án tuyển sinh những năm gần đây, tổng nguồn thu hợp pháp của trường tăng đều qua các năm. Dựa vào báo cáo tài chính duy nhất mà phóng viên tìm thấy, nguồn thu của trường đến từ học phí và nguồn hợp pháp khác, không có khoản thu nào từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trong đó, nguồn thu từ học phí chiếm đến 98,9% tổng thu của toàn trường (năm học 2021-2022).
Tổng thu năm 2021-2022 của Trường Đại học Thăng Long. Ảnh chụp màn hình từ Báo cáo ba công khai năm học 2021-2022 |
THỐNG KÊ TỔNG THU VÀ CHI PHÍ ĐÀO TẠO 1 SV/NĂM CỦA TRƯỜNG ĐH THĂNG LONG TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY (Từ đề án tuyển sinh và báo cáo 3 công khai) |
|||||
Năm học | 2021-2022 | 2020-2021 | 2019-2020 | 2018-2019 | 2017-2018 |
Tổng thu (tỷ đồng) | 297,2 | 276,029 | 183,1 | 186,8 | 168,5 |
Chi phí đào tạo 1 SV/năm (triệu đồng) | Không có dữ liệu | 25,37 | 22,8 | 20 | 18,6 |
Tại đề án tuyển sinh 2023, Trường Đại học Thăng Long không có thông tin về nguồn thu tài chính và chi phí đào tạo 1 sinh viên/năm.
Năm học 2023-2024, Trường Đại học Thăng Long thu học phí đối với đào tạo bậc đại học giao động từ 27 - 45 triệu đồng/năm học. Thiết kế đồ họa đang là ngành học có mức học phí cao nhất. Trường cam kết lộ trình tăng học phí tối đa 15%/năm.
Học phí đối với đào tạo thạc sĩ (trong nước) các ngành khoảng 50 triệu đồng/năm. Đào tạo bậc tiến sĩ là 100 triệu đồng/năm học. (Theo đề án tuyển sinh năm 2023).
Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 quy định các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện quy chế công khai về cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và công khai thu chi tài chính.
Tìm hiểu báo cáo ba công khai của Trường Đại học Thăng Long, phóng viên nhận thấy các thông tin công khai mới chỉ dừng lại ở năm học 2021-2022, các năm học trước đều không có thông tin. Năm học gần nhất là 2022-2023 cũng chưa có thêm các thông tin công khai nào.
Trả lời phóng viên về việc vì sao đến nay Trường chưa công khai thông tin báo cáo ba công khai năm học 2022-2023, đại diện Trường Đại học Thăng Long khẳng định các thông tin đã được đăng tải đầy đủ trên website của nhà trường. Tuy nhiên, phóng viên không tìm thấy thông tin nào về báo cáo ba công khai năm học 2022-2023 trên website của đơn vị như vị đại diện đã nói.
Dữ liệu báo cáo ba công khai năm học 2022-2023 vẫn chưa được Trường Đại học Thăng Long cập nhật trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Ảnh chụp màn hình ngày 5/10/2023 |
Ngoài ra, về các thắc mắc của phóng viên về tình hình tuyển sinh các khối ngành, đặc biệt vì sao tỷ lệ đạt của lĩnh vực sức khỏe so với các khối ngành khác lại có sự chênh lệch lớn như hiện nay (tuyển sinh lĩnh vực sức khỏe chỉ đạt chưa đến 25% chỉ tiêu; Hay việc đội ngũ giảng viên của trường giảm liệu có ảnh hưởng gì đến chất lượng đào tạo,... đại diện Trường Đại học Thăng Long từ chối trả lời các vấn đề trên.
Minh Chi